Ngày 18/8, đoàn công tác Bộ GTVT do Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu, cùng Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và lãnh đạo các vụ, cục, Ban quản lý dự án… đã làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về công tác quản lý vận tải và phát triển GTVT trên địa bàn. Sau khi báo cáo đoàn công tác Bộ GTVT về tình hình phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, công tác vận tải và tình hình phát triển GTVT tại địa phương,UBND tỉnh Lai Châu đã đề xuất với đoàn công tác nhiều nội dung để giúp địa phương phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Lai Châu đề xuất Bộ GTVT bố trí vốn còn thiếu cho giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Dự án cải tạo nâng cấp QL12; Xem xét, chấp thuận việc chuyển các tuyến đường hành lang biên giới Pa Tần - Mường Tè - Pắc Ma, tuyến đường nối QL6 với QL32 thành quốc lộ. |
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Nguyễn Khắc Chử phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GTVT về thực trạng KTXH và GTVT địa phương |
UBND tỉnh Lai Châu cũng đề nghị Bộ báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ sớm bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ để tỉnh triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm như Dự án QL32, QL2, QL279. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT xem xét, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công dự án đường nối TP Lai Châu với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; sớm triển khai dự án hệ thống đường hành lang biên giới và xây dựng sân bay Lai Châu…
Trao đổi tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng cho biết, dự án cải tạo nâng cấp QL12 đoạn km22 - km66 tỉnh Lai Châu được Bộ GTVT phê duyệt có tổng mức đầu tư là 1.051,99 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 1 là 911,65 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 140,34 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đến nay đã thi công hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, tuy nhiên kế hoạch vốn mới bố trí được 576,8 tỷ đồng, bằng 63,3% tổng mức đầu tư; số vốn còn thiếu cho giai đoạn 1 là 334,85 tỷ đồng đã được đưa vào trung hạn.
Với đề xuất chuyển một số tuyến đường thành quốc lộ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT tỉnh phối hợp với Tổng cục để làm các thủ tục xem xét, trình phê duyệt theo đúng quy định hiện hành. Về nâng cấp đường hành lang biên giới, Tổng cục đã kiểm tra, hiện còn mục xin ý kiến 2 địa phương liền kề cạnh để hoàn thành văn bản trình Bộ.
Về việc kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc về cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Tổng giám đốc Ban QLDA2, ông Phạm Hồng Sơn cho biết dự án sẽ gồm 2 tuyến: Tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai và tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Tuyến thứ nhất quy mô xây dựng đường cấp III miền núi; tổng chiều dài đầu tư xây dựng 137km, trong đó đầu tư xây dựng mới 16 km, nâng cấp mở rộng 121km, đầu tư xây dựng tuyến tránh thị trấn Khánh Yên và tuyến tránh Mường Than, xây mới 10 cầu bê tông cốt thép rộng 9m với tổng chiều dài 902m, tổng mức đầu tư dự kiến là 5.793 tỷ đồng. Tuyến số 2 quy mô xây dựng đường cấp IV miền núi; tổng chiều dài 52.2 Km, trong đó nâng cấp mở rộng 52,2 km, xây mới 3 cầu BTCT rộng 9m với tổng chiều dài 293m, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.412 tỷ đồng (64 triệu USD).
“Theo biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về Chương trình hành động quốc gia 2017-2019 đã được ký ngày 6/7/2016, Dự án sẽ được ADB cho vay vốn thực hiện đầu tư vào năm 2018 với khoản vay ước tính 300 triệu USD.Từ tháng 10-12/2018 sẽ ký hợp đồng xây lắp, khởi công dự án và từ tháng 1/2019 đến hết tháng 12/2020 sẽ hoàn thành xây dựng”, ông Sơn thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Lai Châu là một trong những địa phương còn khó khăn về giao thông. QL4D độc đạo từ Sa Pa (Lào Cai) lên Lai Châu chỉ có thể giữ mặt đường như hiện tại, mà với mặt đường như thế khó có thể phát triển được vì đường chỉ có thể đi với tốc độ 40km/h, mỗi tháng trên tuyến có 3-4 xe container bị lật… “Do đó, Bộ GTVT đã thống nhất với ADB sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai để kết nối giao thông, tạo đà phát triển kinh tế xã hội cho địa phương”, Thứ trưởng Trường nói.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cơ bản đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo tỉnh Lai Châu về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý vận tải và tình hình phát triển hạ tầng GTVT của địa phương.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, xa các trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước, địa hình chia cắt phức tạp nhưng Lai Châu đã làm tốt công tác phát triển giao thông nông thôn. Địa phương chỉ còn 1/96 xã chưa có đường giao thông đi lại được 4 mùa.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng lưu ý các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT ghi nhận ý kiến kiến nghị của địa phương để cùng Lai Châu tìm các giải pháp tốt nhất giải quyết từng bước, hỗ trợ địa phương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững.
“Tuy vậy, nhìn chung kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng GTVT tại Lai Châu chưa tương xứng với yêu cầu cũng như tiềm năng phát triển của địa phương và khu vực. Bộ GTVT sẽ sát cánh cùng Lai Châu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là dự án tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, hướng tới việc kết nối với các địa phương trong vùng”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, Lai Châu nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung là nơi chịu nhiều hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu, địa tầng nên việc quan tâm đến chính sách trồng rừng của địa phương vừa để ổn định môi sinh vừa giữ được kết cấu hạ tầng giao thông miền núi.
Trong cao điểm mùa mưa lũ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với Sở GTVT địa phương và các cơ quan ban ngành liên quan rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở, cầu yếu, giao thông thuỷ nội địa...đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa cũng đánh giá cao và biểu dương nhiều mặt công tác liên quan đến các lĩnh vực GTVT. Đặc biệt là Lai Châu đã thành công trong việc kéo giảm cả số vụ, số người bị thương, người chết vì TNGT từ đầu năm đến nay.
“Việc kiểm soát và kiềm chế được cả 3 tiêu chí đảm bảo TTATGT chính là thước đo quyết tâm của địa phương. Đề nghị địa phương tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo TTATGT, kiểm soát chặt xe quá tải để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng nhấn mạnh.