Đề án 186 cầu treo dân sinh đã hoàn thành nhưng Nhà nước còn nợ các nhà thầu hàng trăm tỷ đồng...
Cầu treo Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đề án 186 cầu treo dân sinh cho 28 tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên mục tiêu ban đầu là hoàn thành vào tháng 9/2014, nhưng đến năm 2016 mới hoàn thành, đảm bảo chất lượng. Theo ông Huyện, nguyên nhân chậm tiến độ do vốn của nhà thầu ít cũng như điều kiện khí hậu không thuận lợi.
Về kinh phí đầu tư, ông Huyện cho biết, sau khi Tổng cục Đường bộ VN phê duyệt chi tiết 153 báo cáo kỹ thuật, tổng mức đầu tư của đề án là 1.017/931 tỷ đồng dự kiến ban đầu, tăng trên 83 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư tăng do các cầu chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa nên giá thành xây xựng tăng theo. “Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN rà soát lại kinh phí xây dựng và tìm nguồn vốn bù khoản vượt tổng mức nhưng đến nay Tổng cục Đường bộ VN vẫn chưa tìm nguồn nào”, ông Huyện nói.
“Mặc dù toàn bộ 186 cầu đã được hoàn thành nhưng đến nay ngân sách mới cấp được 680 tỷ đồng/tổng mức đầu tư của đề án là trên 1.000 tỷ đồng nhu cầu, còn lại gần 400 tỷ đồng nợ nhà thầu”, ông Huyện cho biết và khẳng đinh: “Việc nợ đọng đã gây khó khăn rất lớn về tài chính cho các nhà thầu tham gia dự án”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, dự án làm xong gây nợ đọng, không quyết toán công trình và thủ tục không đầy đủ. Tổng cục Đường bộ VN và Ban Quản lý dự án 3 phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bộ GTVT đã phê duyệt dự án, đơn vị thực hiện thay đổi nội dung của đề án, bổ sung, điều chỉnh khối lượng, hạng mục phải được Bộ GTVT phê duyệt. Thời gian tới cần tập trung phê duyệt lại các vấn đề này, đồng thời tập trung vào quyết toán dự án.
“Phải rà soát lại các khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quyết toán, đấu thầu đã đúng quy định chưa. Phải chủ động ứng hết kế hoạch vốn đến năm 2020, đẩy nhanh giải ngân để giảm khó khăn cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng nói.
Chỉ đạo vấn đề này, tại cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN mời kiểm toán Nhà nước trực tiếp kiểm toán 186 cầu. Trong trường hợp không làm được việc này, giao trách nhiệm tranh tra Bộ trực tiếp thanh tra để có đánh giá tổng quan việc chấp hành quy định xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện.
Tổng cục cần có báo cáo chi tiết quá trình thực hiện 186 cầu, trong đó làm rõ vì sao phải thay đổi vị trí 78 cầu, căn cứ quy định pháp lý nào để thay đổi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu phải làm rõ vì sao tổng mức đầu tư của đề án được duyệt bên đầu chỉ có trên 900 tỷ đồng nhưng đến nay lại đội lên đến trên 1.000 tỷ đồng.
“Trong tháng 3, phải quyết toán toàn bộ 186 cầu, trên cơ sở này xác định được chi phí đã bỏ ra theo quy định của pháp luật đầu tư 186 cầu này là bao nhiêu. Từ đây, phải giải ngân ngay toàn bộ vốn được bố trí trong năm nay. Cùng với đó, làm thủ tục báo cáo Chính phủ xin tạm ứng phần còn lại để giải quyết khó khăn cho các nhà thầu một phần. Phần còn lại cũng khẩn trương làm văn bản xin Chính phủ lấy 10% dự phòng của ngành bằng 95 tỷ đồng để chi trả nợ nhà thầu. Còn 85 tỷ đồng vượt chi, báo cáo Chính phủ cho sử dụng vốn xin nguồn vốn dự phòng giải quyết khẩn cấp ngay cho nhà thầu”, Bộ trưởng chỉ đạo.